[Hách Hồ Hách] Tay Trái (Hoàn)

Tay trái

Tác giả: 宛安violet

Edit: Pi | Beta: Ngư

Bản dịch đã có sự cho phép của tác giả, vui lòng KHÔNG MANG RA KHỎI WORDPRESS VÀ FANPAGE CỦA HÚC NHẬT ĐÔNG THÂN

*

Chuyện hai người gặp lại sau tám năm, từ góc nhìn của người thứ ba.

MỘT

Buổi tối ngày đóng máy phim Tay Trái, đoàn làm phim hẹn nhau đi ăn ở Haidilao, tôi cũng được mời tham gia.

Dù thật ra phần của tôi trong phim không nhiều lắm, bàn đến phiên vị cũng không biết là nên liệt vào vai nam mười tám hay mười chín nữa, may được sắm vai trợ lý thân cận của nam chính, khi lên phim chỉ cần nam chính ở đâu tôi ở ngay đó — đại đa số thời lượng trên phim tôi cũng chỉ làm nền.

Nhưng nhìn lâu sẽ quen mặt. 

Quả thật là nhìn lâu quen mặt đấy. Vì tôi tham dự toàn bộ quá trình quay phim, lúc không phải diễn cũng sẽ ở phim trường quan sát phần thể hiện của các diễn viên khác. Bầu không khí trong đoàn làm phim tốt lắm, nhóm diễn viên chính đều không tỏ ra kiêu căng, còn rất quan tâm đến đám sinh viên năm hai như tôi, nên tôi cũng nhân dịp này đi làm quen với các diễn viên tiền bối.

Đúng, tôi chỉ là sinh viên, là một diễn viên mới toanh.

Nhớ lại lúc đi thử vai cho phim, tôi thấy vai phụ này không tệ, thời gian quay phim còn vừa khéo ngay kỳ nghỉ đông, nên đã hào hứng đi thử vai. Đạo diễn cũng là người mới, nhưng cũng vì vậy mà lúc tuyển diễn viên anh càng cẩn thận và nghiêm khắc hơn. Tôi thử vai mấy vòng, lúc gần như bỏ cuộc thì mới nhận thông báo cuối cùng mình cũng đậu được một vai.

Vai diễn này vô danh, trong kịch bản thì gọi là “Tiểu Trần”.

Người tiếp xúc nhiều nhất với “Tiểu Trần”, chính là một trong các nam chính, tên La Dương. Tên diễn viên nằm ở phần danh đề cho vai này chính là thầy Hồ Tiên Hú, cả tên lẫn tuổi cũng đã đủ làm người mới như tôi ngưỡng mộ.

Thành thực mà nói, trải qua mấy tháng quay phim, quan hệ của tôi với thầy Hồ Tiên Hú coi như không tồi. Nhưng lúc chưa quen thân với thầy Hồ lắm, tôi thấy hơi sợ thầy.

Từ lúc đọc kịch bản, tôi đã thích nhân vật La Dương. Tác phẩm đề tài tội phạm luôn cho thấy những góc đời tối tăm khó mà nhìn thẳng, nhưng La Dương lại là thiên tài sinh ra từ chốn tăm tối, ở nơi bùn lầy sinh trưởng lên cao, dù cuộc sống có dày vò vẫn sáng mãi tấm lòng nhiệt huyết. Anh là chính nghĩa, là dũng cảm, là trí tuệ, sự kiên định của người cảnh sát nhân dân, cả người anh chính là ánh sáng mặt trời, soi rọi đến từng ngóc ngách tăm tối trong những câu chuyện như thế.

Không ai nghi ngờ gì về phần thể hiện của Hồ Tiên Hú với loại vai diễn này, tôi hiển nhiên cũng thế. Thầy Hồ Tiên Hú là diễn viên đã ra mắt lâu năm, xuất thân là diễn viên nhí, kinh nghiệm phong phú, sau lại còn thay đổi hình tượng thành công, kỹ năng diễn xuất vẫn được giới chuyên môn khen ngợi. Hình tượng của thầy hướng ngoại, lạc quan, tích cực, sáng sủa, hài hước, giống như mặt trời nhỏ.

Rất giống với La Dương.

Nhưng sự thật thì, lần đầu tiếp xúc sau những mong chờ đã lâu, thầy ngay lập tức đập vỡ hết mọi ảo tưởng của tôi.

Đó là vòng đọc kịch bản đầu tiên, lòng tôi có chút háo hức nên đến thật sớm. Khi nhìn thấy thầy Hồ Tiên Hú, tôi tự giác làm một hậu bối, chủ động nhiệt tình đi chào hỏi thầy, đồng thời tự giới thiệu. Thầy đáp hiền hòa, lời một lời hai đều đều nói, sau đó chẳng nói gì với tôi nữa.

Cái cảm giác hiền hòa này lại giống với vẻ lạnh lùng hơn.

Tôi liền bừng tỉnh, trong lòng đã rõ ràng hơn, thật cũng không biết nên cảm thấy gì, đành âm thầm hy vọng trong lúc cùng thầy quay phim có thể quen dần với thầy đã tốt rồi.

Lúc có thể ngồi xuống ở góc nào đó, tôi bắt đầu quan sát thầy Hồ Tiên Hú. Quan sát người khác thật ra là chuyện rất thú vị, nhất là đối với diễn viên mà nói, đây cũng là môn học bắt buộc.

Thầy còn chưa ba mươi, tuổi còn rất trẻ. Thoạt nhìn như kiểu người mặc đồ may riêng của các thương hiệu kén người, đầu đội nón bucket đen, vành nón che đi vẻ mặt lãnh đạm. Khi vòng đọc kịch bản chưa bắt đầu, thầy hoặc là lật mở kịch bản, hoặc là tùy ý xem điện thoại — tôi phát hiện thầy dùng điện thoại bằng tay trái, đeo đồng hồ bằng tay phải.

Thảo nào!

“Tay Trái” bắt đầu bằng một vụ án mạng, xuyên suốt truyện phim là về hai nhân vật quan trọng — cảnh sát và hung thủ, đều có thiết lập thuận tay trái. Đến cuối phim, cũng vì cả hai nhân vật đều dùng tay trái, từ đó mới tra ra mấu chốt phá án.

Nếu không phải là diễn viên thuận tay trái, có lẽ sẽ không quen được.

Tôi nhìn thầy Hồ Tiên Hú mở điện thoại, rồi tắt đi, rồi lại mở, lại tắt một lúc lâu, mơ hồ cảm thấy thầy có chút lo lắng. Lẽ nào diễn viên kinh nghiệm phong phú như thầy cũng thấy hồi hộp trong tình huống này? Cuối cùng thầy cất điện thoại vào túi, lật mở kịch bản đã được ghi chú rất nhiều, nhưng ánh nhìn dường như cũng chẳng rơi xuống những hàng chữ, mà mắt lại dán vào chiếc ghế trống đối diện.

Đạo diễn và các diễn viên lần lượt bước vào, mọi người hỏi thăm nhau, không khí dần ấm cúng. Đối diện với đám đông, thầy Hồ Tiên Hú hồ như đang từ từ biến thành ấn tượng ban đầu của tôi, hòa đồng, cởi mở, khôn khéo đúng thời điểm.

Nhưng khi có một người xuất hiện, thầy có vẻ cũng không bình thản ung dung đến vậy.

Tôi nhìn theo ánh mắt không tự nhiên của thầy thì thấy đó là người thủ vai nhân vật chính tên Ngải Việt — Hách Phú Thân.

Tất nhiên tôi cũng biết thầy Hách Phú Thân. Những năm gần đây, thầy rất nổi trong giới giải trí, đóng nhiều tác phẩm truyền hình ăn khách, tham gia tuần diễn sân khấu kịch, nhưng lại rất ít khi lấn sang điện ảnh. Lần này hóa thân thành Ngải Việt, vai diễn có thời lượng và vị trí tương đương như vai La Dương của thầy Hồ Tiên Hú. Cuộc đua và sự ràng buộc của kẻ giết người mất trí và thiên tài ngành cảnh sát, vô cùng căng thẳng, đối với diễn viên đây chính là một thách thức lớn.

Hách Phú Thân vừa bước vào, anh trông giống người mới sợ hãi mọi người còn hơn cả tôi. Cúi đầu chào suốt đường đi, rồi mới ngồi xuống cái ghế mà thầy Hồ Tiên Hú đã dán mắt vào. Ánh mắt anh tròn, đen thẫm như quân cờ nhìn chằm chằm thầy Hồ Tiên Hú ngồi đối diện, sau đó lịch sự gật đầu chào, thầy Hồ Tiên Hú cũng trả lễ theo cách tương tự.

Trong bầu không khí tĩnh lặng và bất thường này, tôi bỗng nhận ra đây đâu giống lần đầu họ hợp tác.

Tôi nhớ sự quen biết của họ có lẽ bắt đầu từ “Kỳ Hồn”, một phim chiếu mạng lên sóng tám năm trước. Khi bộ phim chuyển thể từ manga này được phát sóng, so với các phim chiếu cùng thời điểm, nói phim có tiếng tăm thì cũng phần nào miễn cưỡng. Tôi chỉ tình cờ xem qua, trong kỳ nghỉ đông trước khi lên trung học, tôi có đến chỗ chị họ học năm hai đại học để học thêm, mà mấy lúc chị không giảng bài, chị sẽ ôm điện thoại xem “Kỳ Hồn”.

Sau rồi lại biến thành tôi cùng chị xem phim, đại khái con nít là vậy, lúc bản thân phải làm bài tập thì sẽ thấy chán và cứ nhìn người khác làm gì cũng sẽ thấy thú vị, không cưỡng lại được cám dỗ. Năm đó tôi vẫn là thằng con nít, vừa bất bình chuyện mình chẳng biết được Thời Quang và Du Lượng làm sao giành cúp Bắc Đẩu, vừa chẳng hiểu được chị họ xem phim thì cười cái gì.

Hoá ra là lần hợp tác thứ hai, tôi nghĩ thầm, vậy mà trước đây cứ có cảm giác hai người này chẳng liên quan gì tới nhau.

Nhưng tôi không ngờ họ của lần gặp lại sau này lại không giống như tưởng tượng của tôi về cái gọi là “bạn bè quen 8 năm” hay “hợp tác lần hai”. 

Lúc đọc kịch bản, đạo diễn viết kín tấm bảng trắng về mối quan hệ giữa các nhân vật và các tình tiết câu chuyện. Tôi biết truyện phim là về sự chuộc tội, một chủ đề thường gặp trong các tác phẩm thuộc thể loại điều tra tội phạm. Phim có hai nhân vật chính, cảnh sát La Dương và kẻ sát nhân Ngải Việt là trọng tâm đối nghịch của câu chuyện, họ vừa giống nhau, lại hoàn toàn khác nhau, giống như hai mặt của một đồng xu. Như lời đạo diễn nói, hai nhân vật này đều là thiên tài, và cũng là hai kẻ điên. Bọn họ kẻ trống đánh xuôi, người kèn thổi ngược, nhưng đều khát khao thoát khỏi thế giới cô độc của chính mình.

Tôi đã đọc kịch bản từ lâu rồi, nhưng giờ đây lại càng có nhiều cảm xúc hơn. Tôi hết nhìn kịch bản lại nhìn hai diễn viên thủ hai vai chính, đột nhiên nhận ra cảnh sát và kẻ sát nhân về bản chất cũng giống như hai quân cờ.

Đến lúc thảo luận về vai diễn, sự chuyên nghiệp của hai tiền bối Hồ Tiên Hú và Hách Phú Thân làm tôi ngạc nhiên không nói nên lời. Họ có thể đào sâu vào nội dung từ một chi tiết rất nhỏ trong kịch bản. Làm tôi cảm thấy mình ngồi trong giảng đường suốt chín mươi phút mà như chẳng học được chút gì. Hơn nữa là những người trưởng thành, họ còn cho thấy lòng kính nghiệp tuyệt đối, khiến tôi càng thêm kinh ngạc.

“Thầy Hồ Tiên Hú.” 

“Thầy Hách Phú Thân.”

Xưng hô xa cách như vậy làm tôi những tưởng hôm nay là ngày đầu họ quen nhau cơ.

Tôi lập tức follow tài khoản weibo của hai người, và còn lội ngược về tận thời điểm quay chiếu Kỳ Hồn của bọn họ. Dù cả hai không thiết lập hạn chế hiện bài đăng lâu hơn 6 tháng, tôi vẫn không tìm được các nội dung liên quan.

Không follow, không tương tác.

Có khi nào họ không thân nhau không?

Trong đầu tôi phút chốc liền nảy ra vô số ID tên gà vịt ngỗng thỏ chó mèo heo, những tài khoản dùng chữ bính âm đọc như thần chú hay đăng tải bí mật hậu trường, làm người khác mò mẫm đoán xem rút cuộc là ai oan gia ngõ hẹp với ai, ai cùng ai yêu hận bất hòa.

Tôi trong lòng thầm lắc đầu, tự bảo mình năm tháng trôi xa, ký ức ngày thơ cũng phải phai mờ, và mạng internet cũng mất đi dữ liệu lịch sử.

HAI

Thời gian đầu lúc mới quay phim, hai nhân vật chính hầu như không có cảnh diễn chung. Câu chuyện phát triển song song, ở phim trường cũng chia thành hai tổ quay A và B, hiếm khi tụ tập một chỗ. Tổ quay A chỗ của thầy Hồ Tiên Hú chủ yếu quay các phần liên quan đến điều tra vụ án, tôi cũng ở tổ này. Ngoài ra còn có thêm một nữ diễn viên. Chị là sư tỷ cùng trường với tôi, mới tốt nghiệp chưa tròn năm. Tôi thì diễn một viên cảnh sát tập sự, chị diễn vai nữ pháp y. 

Ở tổ của mình tôi tất nhiên là nói chuyện với sư tỷ nhiều nhất, tuổi tầm tầm nhau, đều là người mới, cứ thế tự nhiên quây quần với nhau. Con gái thì thích đi hóng chuyện, nên chúng tôi hay nói chuyện về hai vị diễn viên tiền bối. Nói chứ, đâu chỉ con gái, tôi là con trai mà cũng thích đi hóng chuyện, thích hóng hớt là bản năng của con người mà.

Đoàn làm phim thực hiện quay chụp ở Đông Bắc, mùa đông khắc nghiệt, lạnh lẽo vô cùng. Khí lạnh thấu xương nhập tủy, hít thở trong cái lạnh một hồi ai cũng thấy đau khổ. Vật vã chịu rét đến lúc cả đoàn được nghỉ, chúng tôi liền rúc vào phòng của mấy ngôi nhà thôn dã một tầng mà đoàn làm phim đã thuê tạm, trong phòng có giường sưởi bằng gạch đã được đốt sẵn, kiểu giường sưởi này giờ cũng không mấy ai dùng.

Chúng tôi cầm khoai lang nướng và bắt đầu nói chuyện phiếm, sư tỷ đột nhiên hỏi tôi có từng xem “Kỳ Hồn” chưa, tôi đáp là rồi. Chị nói lúc vào đoàn làm phim rồi mới nghe nói Hồ Tiên Hú và Hách Phú Thân từng hợp tác, mới tò mò xem thử, giờ mới xem đến tập mười mấy. 

Ngay khi tôi vừa sắp sửa “spoiler” một tình tiết hết hồn về “nước đi thần thánh”, thì lại nghe chị nói: “CP Lượng Quang tái hợp sau tám năm, lúc tuyên truyền phim chắc sẽ thu hút được nhiều người lắm.”

Tôi giật mình nhìn chị, giọng nói thầm thì bật được một tiếng: “Hả?”

Thầy Hồ Tiên Hú không biết tự bao giờ đã bước vào nhà, nghe thấy chúng tôi đang nói về “Kỳ Hồn” thầy còn phấn khích hơn bất kỳ ai, bởi vì Kỳ Hồn chính là bộ phim đầu tiên giúp thầy thay đổi hình tượng diễn viên nhí, mang ý nghĩa trọng đại. Nhưng dù gì ngày đó đã xa, mấy năm gần đây ít ai nhắc đến nó.

Thầy chủ động kể cho chúng tôi nghe về khoảng thời gian quay “Kỳ Hồn”, phấn khích đến mức hai tay thầy múa may, một Hồ Tiên Hú ngoài nóng trong lạnh dường như đã biến thành Thời Quang sôi nổi tựa mặt trời.

“À, mấy đứa biết chơi cờ vây không?” Thầy hỏi chúng tôi với vẻ đầy chờ mong.

Tôi lắc đầu, sư tỷ lại cười nói: “Em chỉ biết chơi cờ ca-rô thôi, hồi trước yêu xa bạn trai cũ, cứ tối tối buồn buồn là cùng anh ấy tỉ thí cờ ca-rô, chơi đến trời sáng luôn.”

Bạn trai cũ, tức là đã chia tay.

Người nọ trong phút chốc bỗng thẫn thờ, sau khi sờ sờ tai mình và ho nhẹ hai tiếng, thầy trở lại bộ dạng cười nói như cũ: “Để kể nghe nè, Hách Phú Thân là người chơi cờ ca-rô giỏi nhất mà tôi từng gặp đó, anh ấy mà đấu cờ ca-rô với máy tính thì anh ấy thắng luôn.

“Ảnh là AI đó.

“Chờ thêm vài buổi quay đi, mấy đứa đi tìm ảnh mà tỉ thí thử.

“Ha ha ha ha…”

Tiếng cười giòn tan xen lẫn mùi thơm của khoai lang nướng chín, khói bốc nghi ngút trong căn phòng nhỏ. Đầu tôi nảy sinh vài ý nghĩ, AI chơi cờ cũng không là chuyện gì mới mẻ, mấy thế hệ AlphaGO cũng đã được giới thiệu rồi.

Chỉ là từ lúc đó trở đi, tôi đã thân thiết với Hồ Tiên Hú hơn. Được phép gọi là Hú ca, thầy bảo rằng gọi thầy là “thầy” thì nghe lạ quá, mà còn già nữa.

Đến thời điểm thực hiện cảnh quay trong rừng bạch dương, bầu trời băng giá trắng xóa, tuyết trên đất phản quang khiến người ta lóa mắt, tôi đưa cho thầy Hồ Tiên Hú một cốc nước ấm và hỏi thầy phần diễn xuất của tôi thế nào.

Thầy nói về diễn xuất thật sự rất nghiêm cẩn, chỉ ra từng tiểu tiết của từng vấn đề. Ví dụ như lúc đối diễn cũng thầy, ánh mắt tôi nhìn rất loạn, lúc đọc thoại thì nhịp thở không ổn định. Sau cùng thầy nhận xét: “Nhưng thế là tốt lắm rồi, chú em mới mười chín, về sau còn nhiều cơ hội tiến bộ.”

“Hồi Hú ca quay “Kỳ Hồn” cũng mới mười chín mà!”

Thầy cười thành tiếng, nói tôi làm sao mà so được với thầy, lúc thầy mười chín tuổi đã đi diễn hết tám năm rồi.

“Nhưng chú em với Hách Phú Thân thật ra cũng giống nhau lắm đó, anh ấy khi đó cũng mười chín, cũng là sinh viên chưa có kinh nghiệm gì.” Thầy dường như đang nghĩ ra chuyện gì đó rất thú vị, nét cười trên môi đã hiện rõ, “À mà chú em biết không, ánh mắt chú em thì nhìn loạn, còn ánh mắt của anh ấy khi nhìn người khác chằm chằm sẽ không động đậy luôn, giống như người máy á, hahahaha…”

Tiếng cười hóa thành khói trắng, từng đợt từng đợt tan biến vào thinh không, không chút dấu vết.

Vì sao lúc nói về người kia thì vui vẻ đến vậy, mà đến lúc người kia ngồi trước mặt lại không thể vui vẻ thản nhiên?

“Nhưng mà lúc ảnh mười chín tuổi, so với cậu vẫn tốt hơn một chút nha.” Giọng thầy chắc nịch. “Ngay cả kỳ thủ chuyên nghiệp cũng khen anh ấy có khí chất lắm.”

“Kỳ thủ phải có khí chất của kỳ thủ, mà cảnh sát cũng cần có khí chất của cảnh sát. Cậu phải học cách nắm chắc chi tiết và tinh thần của một cảnh sát. Đôi khi cử chỉ cơ thể không thể quá tùy tiện đâu.”

Thầy quay về giảng chuyện diễn xuất rồi.

Đến lúc tôi có thể cùng quay phim với thầy Hách Phú Thân thì đã là chuyện của giai đoạn quay sau này. Tình tiết trong ống kính máy quay của đạo diễn cũng dần dần trải ra, manh mối vụ án càng được phơi bày, gút mắc của La Dương và Ngải Việt ngày càng sâu sắc.

Câu chuyện ngoài ống kính cũng giống như thế.

Tôi từng bóng gió với Hồ Tiên Hú, tìm hiểu xem thầy và Hách Phú Thân phải chăng có bất hòa gì không. Tôi biết đáp án là không, nhưng tôi cũng không thể lý giải khúc mắc gì khiến hai người họ mỗi khi cùng xuất hiện lại luôn căng thẳng, như thể có một trận bão tuyết đang từ từ kéo đến. Người ngoài đứng nhìn cũng giống như mắc xương ở cổ. 

Nhưng sư tỷ lại thấy khác: “Nhóc với bạn học tiểu học cùng lớp không gặp tám năm giờ gặp lại có gượng gạo không?”

Cũng đúng.

Nhưng mà cũng không đúng.

Tôi với bạn bè hồi tiểu học đúng là không có tiếng nói chung, còn bọn họ thì không thể như vậy.

Vậy nên sau khi diễn xong, tôi đến chỗ thầy Hách Phú Thân. Nghe tôi gọi một tiếng “thầy”, thầy vội vã xua tay không ngừng, bảo tôi gọi là Thân ca được rồi.

Tôi hỏi thầy có phải đặc biệt giỏi chơi cờ ca-rô hay không, anh có vẻ tự hào lắm. Tôi nói đó là lời của thầy Hồ Tiên Hú, hồi trước thầy hỏi đám nhỏ chúng tôi có biết chơi cờ vây không, tiếc là chúng tôi chẳng ai biết chơi cả.

Thế là ngày hôm sau, tôi phát hiện trong đoàn làm phim có cái bàn cờ.

Hồ Tiên Hú nhìn Hách Phú Thân ôm bàn cờ đến tìm mình trong vẻ kinh ngạc, thầy trợn tròn mắt, xét nét nhìn người trước mặt mình, hình như là tự hỏi trong đầu AI đang suy nghĩ cái gì.

“Không phải em luôn muốn chơi cờ hả?” Hách Phú Thân mắt không chớp, nhíu mày hỏi lại.

“Hách Phú Thân anh là tên ngố à? Năm nào rồi, anh không có điện thoại hả?” Hồ Tiên Hú đoạt lấy bàn cờ, kiểm tra thật kỹ, “Cái bàn này đâu phải là cái anh trộm từ đoàn làm phim đâu đúng không?”

“Có bàn cờ rồi vì sao phải dùng điện thoại chứ?”

“Ra anh còn mang cả quân cờ cơ à?”

“Quân cờ ở chỗ em mà.”

Hồ Tiên Hú câm nín, sau đó lấy điện thoại thực hiện một cuộc gọi, nhờ quản lý đến nhà lấy hai hộp quân cờ để trên đầu tủ mang đến đoàn làm phim.

“Thầy Hách Phú Thân à, thầy đang phục dựng văn hóa hả, ai không biết còn tưởng tụi mình quay “Kỳ Hồn 2” đấy.” Hồ Tiên Hú cúp điện thoại rồi giận dỗi nói. “Mỗi ngày quay phim bận vậy, ai rảnh chơi cờ với thầy.”

“Có người nói với anh là em muốn chơi cờ mà không ai chơi cùng, nên anh mới đến.” Thầy Hách Phú Thân chỉ vào tôi.

“Tôi từ hồi nào…” Hồ Tiên Hú lườm tôi một cái, rồi nuốt xuống nửa câu còn lại. “Thà anh đưa em đi ném tuyết trên xe trượt tuyết còn hơn, anh không phải là người Đông Bắc hả?”

“Anh là người Đại Liên mà.”

Đại Liên, thành phố biển nằm ở 38°~40° độ vĩ Bắc, cũng giống như Thiên Tân.

Mùa đông ở Đại Liên, tuyết cũng chẳng rơi nhiều đến vậy.

BA

Tôi rất nhanh đã có cơ hội xem họ chơi cờ, địa điểm là căn hộ nhỏ rách nát mà Ngải Việt thuê trong kịch bản — đoàn làm phim chỉ dựng cảnh, phòng không có hệ thống sưởi, thật lạnh muốn chết.

Giữa trưa lúc nghỉ ngơi, thầy Hồ Tiên Hú cùng thầy Hách Phú Thân ngồi hai bên bàn cờ đối diện nhau, còn chúng tôi vây quanh xem ở một bên.

“Thua thì phạt gì?”

“Hướng cửa sổ hô to ba tiếng người kia rất đẹp trai.”

“Chơi luôn.”

Hai người ăn ý lấy một vài quân cờ, sau đó đặt lên bàn cờ — đoán số quân cờ.

Hồ Tiên Hú quân đen, Hách Phú Thân quân trắng.

Tôi không biết gì về cờ vây, đại khái chỉ hiểu được mỗi chuyện ăn quân. Nhưng cũng may họ không chơi cờ quá lâu, cuối cùng là thầy Hách Phú Thân đặt hai quân cờ và nhận thua. Hồ Tiên Hú ở đối diện xoa xoa bàn tay lạnh như băng rồi cười ngại ngùng.

Hách Phú Thân đứng dậy đi về phía cửa sổ, nhưng không may cửa sổ đã đóng băng, làm sao cũng không mở được. Hồ Tiên Hú lại càng muốn mở cửa sổ, thế là hai người cùng đẩy cửa, cho đến khi tôi nghe được tiếng băng vỡ, cửa sổ trong nháy mắt bị đẩy ra, tuyết trắng và gió lạnh thổi vào.

Hồ Tiên Hú bị sặc và ho hai tiếng.

Hách Phú Thân đối mặt với khung cửa rộng mở, hô ba tiếng: “La Dương ngầu nhất! La Dương ngầu nhất! La Dương ngầu nhất!” Tiếng hô vang bị gió lạnh nuốt chửng.

Tôi nhìn về phía Hồ Tiên Hú, sắc mặt anh cũng không ổn lắm.

“Sao anh không dùng tên em?”

“Thì tên gì cũng là em mà.” Hách Phú Thân đóng lại cửa sổ, nằm xuống chỗ ghế gập, lấy cái chăn nhỏ đắp lên người, bắt đầu ngủ.

Tôi nhìn trạng thái ngủ yên của anh, trong lòng băn khoăn: trời lạnh như thế, làm sao ngủ được?

Buổi chiều vẫn quay chụp như bình thường, tôi nhân lúc được rảnh rỗi hỏi Hồ Tiên Hú, vì sao lúc chơi cờ thầy lại dùng tay phải.

“Thì có làm sao đâu? Hách Phú Thân lúc đó cũng dùng tay phải mà?”

Tôi nhất thời không biết nói sao, “Ý em là… không phải anh thuận tay trái sao?”

“Ừ đúng.” Thầy nhẹ giọng đáp, “Hách Phú Thân cũng thế mà.”

Tôi hơi bất ngờ, bởi vì tôi không hề để ý thấy thói quen dùng tay của thầy Hách Phú Thân có gì khác biệt, tất nhiên là do tôi quan sát không kỹ.

“Nhưng hồi quay “Kỳ Hồn” anh cũng không biết,” tôi nghe thấy thầy nói thế, “Về sau nghe nói mới biết.”

Cũng chẳng rõ có phải vì khu nhà trọ lúc đó rất lạnh, phòng còn bị gió lùa, mà thầy Hồ Tiên Hú ngay hôm sau đã bị cảm.

Sốt đến ba mươi tám độ.

Mà thầy chuyên nghiệp có tiếng, dành thời gian tốn tâm huyết, đôi khi còn muốn liều cả mạng, đã đến mức không còn hơi sức nói chuyện thầy vẫn không muốn làm ảnh hưởng đến tiến độ quay phim. Cuối cùng vẫn nhờ đạo diễn lên tiếng, dù sao cũng sắp đến tết Nguyên Đán, mọi người cũng được nghỉ vài ngày, để chờ cho trạng thái khôi phục hẳn chúng ta sẽ quay tiếp, và dốc sức quay thật tốt.

Ừ thật tốt, đã được rảnh rỗi nghỉ ngơi rồi.

Tôi cùng sư tỷ cũng không tính đi đến chỗ khác mấy ngày này, tùy tiện đi chơi vòng vòng quanh đây. Thành phố công nghiệp cũ này cũng không hoang phế như vậy. Dưới dáng vẻ băng giá lạnh lùng lại trào dâng thứ tình cảm nồng ấm khoáng đạt của người Đông Bắc. 

Quên chưa kể là, tôi và sư tỷ hình như đang yêu nhau.

Lại nói vào giao thừa, trong đoàn làm phim toàn là staff, tôi cùng sư tỷ đương nhiên đi chơi riêng, chúng tôi đã dự định đi ăn tối trước, rồi sau đó cùng đi xem phim.

Tin tức trong group chat hiện liên tục. Sư tỷ vuốt xem tin nhắn trên điện thoại, sau đó chỉ tôi xem tin nhắn này, rồi nói: “Tụi mình tiện đường thì ghé thăm thầy Hồ Tiên Hú đi.”

Tôi cúi đầu nhìn qua, xem cái bong bóng thoại màu trắng nằm kế bên vòng tròn profile có hình chó bull Pháp, nội dung viết: “Mấy người nhân lúc tui bệnh thì rủ nhau đi liên hoan! Chờ ngày quay về đoàn phim tui sẽ không tha cho mấy người!”

Tất cả mọi người trong group chat đều cười đùa dưới tin nhắn này.

Tôi cười nói được thôi, không thì đến lúc đó anh ấy sẽ thực sự không tha cho tụi mình.

Vì thế tôi cùng sư tỷ mang theo giỏ trái cây đến khách sạn chỗ thầy Hồ Tiên Hú dưỡng bệnh. Còn chưa kịp gõ cửa, đã nghe tiếng lách cách, nắm tay xoay tròn và cửa mở ra, trong phòng lúc đó vang ra một câu than thở hờn dỗi: “Khổ quá cơ, em không muốn ăn canh này, anh đi mua canh gà lội trái dừa—” 

Khi bước vào trong phòng, tôi mới ngạc nhiên nhận ra người vừa mở cửa đi ra ngoài và gật đầu chào chúng tôi không phải là trợ lý của thầy Hồ Tiên Hú mà là thầy Hách Phú Thân.

“Ái chà, được nha, hai cô cậu không đi liên hoan mà lại đi thăm tôi à, còn có lương tâm đó.” Sắc mặt thầy Hồ Tiên Hú trông có vẻ khá lên nhiều rồi, khuôn mặt hồng hào sáng sủa, càng có dáng vẻ của thiếu niên. Chỉ là giọng còn khàn chút, triệu chứng thông thường khi sắp khỏi bệnh cảm đây mà. 

Chúng tôi hỏi thăm bệnh tình của thầy Hồ Tiên Hú, sau lại chẳng biết thế nào mà nói đến chuyện người nổi tiếng trên hotsearch. Không lâu sau, thầy Hách Phú Thân thật sự đã mang về món canh gà lội trái dừa nóng hôi hổi.

“Hai cô cậu không có việc gì nữa thì về sớm đi.” Thầy vừa múc canh gà cho người bệnh trên giường, vừa dặn chúng tôi.

Vừa đúng lúc cũng tới giờ hẹn đặt chỗ ở nhà hàng, chúng tôi cũng không thể nán lại lâu hơn. Lúc ra khỏi phòng, khi cửa đang đóng thì có vài lời nho nhỏ lọt vào tai tôi.

“Anh đuổi khách đi chi vậy?”

“Bọn họ đang sốt ruột đi hẹn hò, em nhìn không ra hả?”

Ôi, thật không ngờ là mối quan hệ của bọn họ có thể chuyển biến tốt đẹp vậy.

Có phải là từ lúc chơi cờ không? Thế thì tôi quả là người hòa giải số một.

Phim dài, xem lúc đêm khuya làm tôi thấy hơi buồn ngủ, nên tôi lại xem qua mạng xã hội. Mọi người đều đang vui vẻ chúc mừng năm mới. Hách Phú Thân đăng lên ảnh chụp cảnh tuyết rơi, caption là: “Năm nay đón Giao Thừa vào mùa đông.”

Đôi khi người bình thường thật sự theo không kịp mạch nghĩ của thầy Hách Phú Thân. Ai đón giao thừa vào mùa hè chứ? Người New Zealand à?

Nhưng thôi, năm mới tới rồi. Tôi nắm lấy bàn tay kế bên mình, thấy thật tuyệt, năm mới mình cũng đã mới.

Vừa xong kỳ nghỉ ngắn hạn, mấy ngày đầu khi mới quay trở về công việc càng thêm khó khăn. Mấy ngày đó có nhiều buổi quay ban đêm, đã vắt tôi đến sức cùng lực kiệt.

Nhưng trong đoàn làm phim đâu ai dám buông thả, vì đã quay đến những tình tiết quan trọng nhất của tác phẩm, người người đều tập trung cao độ, cố gắng hoàn thành thật tốt. Áp lực vô hình trên vai mỗi người giống như một quả cầu căng trướng, bất kỳ lúc nào cũng có thể nổ tan tành.

Áp lực này cuối cùng có thể nổ thành thứ gì, tôi chưa bao giờ nghĩ tới, nhưng nó đã xảy ra ở tình cảnh mà tôi chẳng thể nào ngờ tới được.

BỐN

Thiên tài thường bất bình thường, kẻ bất bình thường có thể là kẻ điên.

La Dương và Ngải Việt chính là như vậy, những kẻ thiên tài bị xem là kẻ điên. Bọn họ từ nhỏ đã nghe thấy danh tiếng của đối phương, nhưng số phận keo kiệt, họ đều bị cuộc đời tàn nhẫn hủy hoại. Hai người đều xem sự tồn tại của đối phương làm lý do sống tiếp. Một vụ án mạng ngoài ý muốn lại đẩy họ đến những cuộc đời khác nhau, vì vụ án giết người này, La Dương mất đi người chị người thân duy nhất, cha của Ngải Việt sau nhiều ngày trốn chạy đã bị bắt bỏ tù.

La Dương vì vụ án đó mà quyết chí trở thành cảnh sát, Ngải Việt lại biến chất trong sự tuyệt vọng.

La Dương và Ngải Việt lần đầu gặp mặt là ở phòng thẩm vấn. Lại là một cô gái tuổi xuân phơi phới mà giờ chỉ còn là một thi thể lạnh lẽo. Sau khi La Dương điều tra, Ngải Việt bước vào tầm ngắm của cảnh sát.

Cô gái vốn có sẵn bệnh, lòng cầu được chết, Ngải Việt thật ra giúp người khác tự sát — Nhưng dẫu vậy vẫn là cố ý giết người, và gã cũng không có ý định chạy trốn. Sống hay chết cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc đời gã nữa.

Nhưng lúc biết được người phụ trách vụ án này là La Dương, trong lòng Ngải Việt chấn động. Gã không muốn, không muốn, thà chết cũng không muốn đối diện La Dương với tình cảnh này. Gã dùng đầu óc thiên tài để làm giả mọi thứ, vờ như chính mình không phải là hung thủ giết người.

Nhưng gã cuối cùng vẫn thất bại, vì La Dương tình cờ phát hiện bí mật gã thuận tay trái. Lần thứ hai trở lại phòng thẩm vấn gã là nghi phạm.

Lúc diễn cảnh thẩm vấn lần hai, La Dương và Ngải Việt chất vấn nhau, sự căng thẳng giữa hai người sẽ thật nghẹt thở và gây cấn, tất cả mọi người đều mong chờ một sự bùng nổ như thế.

Dưới ánh sáng yếu ớt của phòng thẩm vấn, Hồ Tiên Hú vứt kịch bản lên bàn, thở dài khó chịu rồi vò đầu bứt tóc.

“Hách Phú Thân, anh diễn sai rồi.”

Hách Phú Thân thở dài một tiếng, dựa lưng vào ghế, nheo nheo mắt.

“À, vậy à?”

“Anh diễn quá mức rồi, chúng ta phải diễn điều tra thẩm vấn, chứ không phải…” Hồ Tiên Hú nhất thời rối rắm đến mức không tìm được lời thích hợp để hình dung.

Rõ ràng phải là đen trắng nhập nhằng, thiện ác đối đầu, là vướng mắc giữa tội lỗi và cứu chuộc.

Chứ không phải cố chấp mãnh liệt, yêu hận đến tận xương tủy, như muốn ôm lấy đối phương giấu vào lòng rồi giết.

“Anh lại thấy tâm tình của Ngải Việt với La Dương có chút phức tạp, đặc thù, thậm chí là vượt xa cảm tình bình thường.” Giọng nói của Hách Phú Thân thật bình thản.

Đạo diễn ngồi sau màn hình giám sát châm điếu thuốc. Sau khi hút xong thì dụi đầu thuốc vào gạt tàn, dập luôn đốm lửa đang cháy. Sau đó mới đi đến chỗ của Hồ Tiên Hú và Hách Phú Thân.

“Anh cảm thấy lý giải của Tiểu Hách cũng không có vấn đề gì, Tiên Hú em nhạy cảm điểm gì à?” Đạo diễn vỗ vỗ vào vai Hồ Tiên Hú, “Cảnh này diễn dè dặt quá sẽ hơi buồn chán, nếu đặt nhiều cảm xúc thì sẽ đạt được hiệu ứng tốt hơn.”

“Nhưng mà như vậy mới không ổn! Đâu thể chỉ vì muốn phim đạt được hiệu ứng tốt hơn mà ảnh hưởng đến toàn bộ cảm giác của phim?” Hồ Tiên Hú vẫn tiếp tục tranh luận.

“Vậy thì tâm tình của anh nên là thế nào?”

“Anh phải kềm chế lại, diễn xuất vừa rồi của anh cứ như… cứ như…”

Cứ như Du Lượng ở trường Trung học 13 đã thực hiện 78 cuộc điện thoại, nhưng phim điện ảnh nào được thay đổi tự do như thế. Hồ Tiên Hú giận Hách Phú Thân phải chăng lại lần nữa quá nhập vai, nên đã cho rằng nhân vật trong trang giấy kia sẽ mang tâm tình và cử chỉ thật khoa trương.

Không đợi được Hồ Tiên Hú tìm từ ngữ chính xác để nói cho được nửa câu sau, Hách Phú Thân đã như người máy với linh kiện rỉ sét gật gật đầu, nói: “Được rồi, lát nữa diễn anh sẽ kềm chế lại.”

Lời chưa nói của Hồ Tiên Hú thoáng cái đã không thể nên lời.

Lại thế nữa. Lại thế nữa rồi.

Hồ Tiên Hú quay mặt đi, miễn cưỡng nhếch miệng cười, gật gật đầu, “Được, được rồi, cứ vậy đi.”

Một lần nữa dặm lại trang điểm, tạo hình, dựng lại cảnh quay.

Quay liên tục mấy cảnh, nhưng không có cảnh nào ưng ý cả, thời gian chưa gì đã sáng, ba giờ rồi.

Đạo diễn cho mọi người tạm dừng nghỉ ngơi trong chốc lát, để điều chỉnh trạng thái một chút. Nhân viên hậu đài ai cũng tranh thủ ngủ bù, tôi ra ngoài kiếm túi chườm nóng cho chị người yêu của mình.

Tôi đút tay vào túi áo, cố gắng muốn thu hết cả người thước tám vào trong cái áo lông ngắn ngủn này, đầu rụt lại chạy thẳng một đường, lúc đến gần xe rồi mới ngẩng đầu và phát hiện ở một góc mờ sáng không xa lắm có hai người.

Tôi nhẹ nhàng bước rồi mở cửa xe vào trong ngồi, cửa kính hạ xuống để chừa khe hở, cuộc trò chuyện của hai người nọ cứ thế nhờ đêm đông tĩnh lặng bị tôi nghe hết. Ngay lập tức tôi thấy mình cũng giống bọn paparazzi vô lương tâm, trốn vào góc tối rình mò, bất cứ lúc nào cũng có thể tung hết tin tức.

Nhưng mà thực sự tôi quá tò mò đi thôi.

Thầy Hồ Tiên Hú và thầy Hách Phú Thân có thể nói gì ở chỗ này? Bọn họ vừa nãy còn tranh cãi — tuy có như là thầy Hồ Tiên Hú đơn phương tranh cãi còn thầy Hách Phú Thân đơn phương nhường nhịn.

“Hách Phú Thân sao anh vừa rồi không phản bác lời em?” Hồ Tiên Hú chất vấn.

Mà người đối diện nói tiếng nhẹ nhàng, nghe không rõ là tâm trạng gì, “Phản bác lời gì của em?”

“Anh rõ ràng trong lòng nghĩ lời em nói không đúng, thì vì sao không phản bác lời em? Vì sao em nói gì thì cứ là như vậy, anh luôn luôn không muốn tranh luận với em, còn em lúc nào cũng là kẻ vô lý, xấu tính?”

“Không thế thì sao? Em chẳng lẽ không phải như thế sao?” Thầy Hách Phú Thân vô tư  cười bật thành tiếng thật dịu dàng, “Nhưng mà Tiên Hú, chúng mình là bạn bè, anh làm sao lại muốn tranh cãi với em, lẽ nào em lại muốn cãi nhau với anh đến vậy à?”

“Em không muốn anh nhường nhịn em! Em muốn anh nghĩ gì nói đó, thậm chí là cãi nhau với em!” Trong lời nói tôi nghe được sự sắc bén, cũng nghe ra ấm ức trong lòng. Mãi sau rồi, thầy Hồ Tiên Hú mới lẩm bẩm một câu: “Hách Phú Thân anh lúc nào cũng vậy.” 

“Anh luôn như vậy, giống như cái bị bông, em đánh một cái, chính em lún sâu, buồn phiền thế nào cũng không nói được nữa, mà anh vẫn cứ như thế.” Lời nói của Hồ Tiên Hú như chiếc áo len bị rách, nắm sợi len kéo thì toàn bộ áo bị tháo ra.

Mà trong đầu tôi bỗng nảy ra một câu thơ: “Kẻ vô tình làm khổ người đa tình.” Thơ gì, của ai, câu trước là câu gì, tôi chẳng nhớ được. Ai vô tình mà ai đa tình, tôi cũng không biết.

“Anh không muốn tranh cãi với em, không phải vì tụi mình là bạn bè, mà thật chất là vì anh không để ý gì em.”

“Bởi nếu không tại sao anh lại nằm ngủ ở cái ghế gấp? Anh cũng đâu phải là người máy đâu chứ! Là anh không muốn nói chuyện với người lạ, không muốn nói chuyện với em.”

“Anh không có.” Lời biện bạch của Hách Phú Thân bị áp chế bởi cơn giận không gì ngăn được của Hồ Tiên Hú.

“Hách Phú Thân tại sao trước đây anh không nói em biết anh cũng thuận tay trái? Em chưa từng gặp được ai cũng dùng tay trái như em, anh có biết nếu anh nói điều đó với em, thì em sẽ vui vẻ biết bao?

“Vì sao ngày đó anh không gọi tên em? Vì anh thích La Dương sao? Hay vẫn thích Thời Quang?

“Mọi người ai cũng thích bọn họ, anh không phải Du Lượng, cũng không phải Ngải Việt, nhưng anh cũng thích bọn họ. Đến tận giờ anh vẫn biết rõ, bọn họ nào có phải em. Anh biết không em thật sự rất đố kỵ, tám năm trước đố kỵ Thời Quang, cậu ấy mãi mãi sẽ có một người như Du Lượng xem cậu ấy là duy nhất.

“Nhưng em không thể là cậu ấy. Anh thấy đấy em quen biết bao nhiêu bạn bè, nhưng mỗi lần vào đoàn phim sẽ không ai tìm em nói chuyện trên WeChat cả. Những người nói thích em, đều là vì em vui vẻ, hoạt bát, ngoan ngoãn… Nhưng thật ra em ích kỷ em yếu đuối, em còn tùy hứng, không ai thích em cả!”

Trừ lúc quay phim, tôi chưa bao giờ nghe thấy tiếng thầy Hồ Tiên Hú nức nở như thế. Tôi ngồi trong xe thôi đã thấy đứng ngồi không yên, nếu tôi mà là bọn paparazzi bất lương thì giờ đã cầm điện thoại ghi âm lại, ngày hôm sau hotsearch thể nào cũng có chủ đề hấp dẫn.

“Nhưng em còn có anh mà.”

NĂM

Thoáng chốc mà tôi tưởng mình thực sự nghe được cả tiếng tuyết rơi.

“Con người cậu ta cẩu thả, ăn nói tùy tiện, không có lòng đồng cảm, không nói lý lẽ, không có nguyên tắc.” Giọng Hách Phú Thân trầm thấp mà bình thản, “Em đã quên rồi, trong mắt Du Lượng, Thời Quang cũng như vậy.

“Anh trước đây cũng không thông suốt, em rút cuộc có phải Thời Quang không. Sau này biết rõ em không phải Thời Quang, anh cũng không phải Du Lượng, chúng ta làm sao mà có thể làm bằng hữu kiêm đối thủ cả đời, anh nghĩ tụi mình có thể làm bạn bè bình thường thôi đã tốt lắm rồi.

“Anh vì sao không cãi nhau ầm ĩ với em à? Vì anh không cách nào cãi nhau với em được. Tiên Hú, em không cho anh chút vốn liếng nào để cãi nhau với em. Anh không có niềm tin tụi mình cãi nhau xong có thể vui vẻ như lúc đầu. Giống như lúc quay xong “Kỳ Hồn” chúng mình không giữ liên lạc, anh hiểu em sợ điều gì, lần này có phải cũng lại giống như lần trước không? Tiên Hú, em muốn anh lấy tư cách gì để cãi nhau với em đây?”

Gặp nhau rồi thà rằng chẳng gặp, người có tình cũng thành người dưng.

“Hách Phú Thân anh là đồ ngốc!”

Tôi nghe thấy thầy Hồ Tiên Hú khụt khịt mũi, trong giọng nói pha chút âm thanh khàn khàn: “Có lúc em nhìn La Dương mà nghĩ đến chính mình, từ nhỏ em thật chẳng thể hòa đồng với đám bạn cùng lứa, nhiều lúc cảm thấy vô cùng bất an. Nếu không thể nắm được vị trí quan trọng nhất trong lòng người khác, em thà rằng từ đầu chẳng quen biết. Em còn nhớ em của gần cả một năm ấy, khi đang trong mối quan hệ yêu đương, có người bạn nói với em rằng, bởi vì em quá khát khao mối quan hệ thân mật giữa người với người, nên trong tình yêu em mãi không thể cảm thấy thỏa nguyện, và vì thế mà so với những người khác em càng khát cầu tình yêu.

“Em trước kia còn suy nghĩ lung tung, vì sao chỉ có em là thuận tay trái chứ, so với người khác mình cứ như hình ảnh phản chiếu, thật giống như em đang sống ở cô thành trong gương. Em vẫn luôn tìm một người, có thể cùng em sống trong tấm gương ấy.

“Anh cũng đâu muốn làm người trong gương với em đâu đúng không, Hách Phú Thân?”

Đối diện sự im lặng một lúc lâu, tôi thậm chí còn quên mất bọn họ ban đầu vì sao mà cãi nhau, vì điều gì mà đứng ở nơi tuyết phủ lạnh lùng chẳng có lấy chút ánh sáng ấy, nói hết điều này đến điều khác, nghe được vô số là chuyện, mà không chuyện nào liên quan đến chuyện nào.

“Em có nhớ hay không…” Hách Phú Thân lại mở lời, “Ngải Việt có một câu thoại thế này, ‘thế giới này là đa số áp bức thiểu số, chuyện bất thường sẽ bị nắn lại cho bình thường.’

“Chuyện anh thuận tay trái chính là bị uốn nắn như thế, anh thậm chí không rõ mình có được tính là người thuận tay trái hay không. Tay trái hay phải anh đều dùng được, lấy đồ vật hay viết thư cũng vì theo thói quen mà dùng tay phải. Cho nên em làm sao mà biết được, vì anh chỉ khi ăn cơm mới dùng tay trái.

“Anh vẫn tin rằng, những người ngoan ngoãn nhất là những kẻ nổi loạn nhất, bởi vì anh là như vậy mà. Từ nhỏ anh đã ngoan ngoãn uốn nắn mình, vụng về học cách dùng tay phải— anh nghĩ có lẽ anh đang nổi loạn với chính anh.

“Thế mà anh lại biết em thuận tay trái.”

Hồ Tiên Hú cắt ngang, cười giễu: “Bởi vì em lúc diễn vô tình dùng tay trái nên bị đạo diễn mắng quá trời, nói xem, cả thế giới ai mà không biết chứ?”

“Ý anh không phải là ý này.” Hách Phú Thân kiên nhẫn giải thích, “Anh phát hiện anh không kềm được mình cứ lén quan sát em thuận tay nào.

“Nói ra em chắc không tin, nhưng anh vốn luôn ở trong gương.”

Trong túi quần tôi đột nhiên phát ra âm thanh liên tục, tôi bối rối đút tay vào lấy di động ra, mà cứ như tay bốc phải khoai nóng. Trên màn hình là mấy tin nhắn liên tục của chị người yêu, hỏi tôi lấy miếng chườm nóng thôi mà sao cũng lâu quá vậy, là bị rớt xuống giếng hay lạc đường mất rồi.

Tôi chạy mang miếng chườm đến cho chị người yêu, cố ý đi vòng theo một hướng khác của xe. Lúc đi ra đằng trước xe thì nghe được câu cuối cùng từ bên kia:

“Em đồng ý, anh nói rất đúng, em phát hiện anh từ đầu đã chọn một cách diễn rất hay.”

Sau đó còn nói gì nữa thì tôi cũng không rõ. Trừ mình tôi ra, chẳng có lấy người thứ tư biết đêm tuyết ấy đã xảy ra chuyện gì. Tôi không mong là sẽ có ai khác biết được, ngoại trừ tôi, hy vọng là không ai thực hiện hành vi nghe lén thiếu đạo đức thế này. 

Không lâu sau khi tôi quay về khu sân sau của phim trường, thầy Hồ Tiên Hú cùng thầy Hách Phú Thân cũng một trước một sau về tới.

Quay lại từ đầu, một lần là xong.

Lúc sau chị người yêu có hỏi tôi sao mà đi lâu như vậy, tôi mới đổi đề tài hỏi chị: “Chị có thấy thế giới này đa số sẽ áp bức thiểu số không?”

Chị không rõ đầu đuôi, thật thà suy nghĩ, đáp rằng: “Cũng đúng. Ví dụ nam giới áp bức nữ giới, dị tính áp bức đồng tính nè.”

“Nam giới áp bức nữ giới? Chị cũng từng bị phân biệt đối xử sao?”

Trông chị như chẳng cần phải nghĩ gì, đáp: “Đương nhiên rồi, mọi phụ nữ đều trải qua chuyện như thế. Có rất nhiều thứ được làm ra nhưng không hề dành cho phụ nữ. Em cũng không tưởng tượng được để có được vai diễn này, chị phải đi qua bao nhiêu vòng thử vai, và bị hỏi những chuyện gì. Chị diễn vai này thế thôi, chứ em biết được bao nhiêu nữ pháp y ngoài đời nào?

Tôi không trả lời, tiện đà hỏi thêm: “Cái này có áp dụng với người thuận tay trái và tay phải không chị nhỉ?”

“Cũng có. Ví dụ cây kéo này, món đồ cực phổ biến này từ lúc có mặt trên đời đã luôn có thiết kế phù hợp với người thuận tay phải hơn là tay trái đấy.”

À, quả thật thế giới này có thật nhiều tấm gương.

SÁU

Hôm đóng máy trúng vào ngày mười bốn tháng Hai, ngay lễ tình nhân.

Buổi tối đoàn làm phim ăn mừng ở Haidilao, thầy Hồ Tiên Hú cùng thầy Hách Phú Thân bị trêu chuyện ngồi kế nhau, như lời đạo diễn nói: “Hai người thuận tay trái ngồi kế nhau, ăn cơm mới không bị húc tay vào nhau.”

Chúng tôi ai cũng cười lớn, nồi lẩu nóng bốc khói làm mặt ai cũng đỏ bừng — mặc dù có ai đó mặt còn đỏ hơn một chút.

Khi mọi người nói về chủ đề lễ tình nhân, thì không tránh được chuyện mấy đôi tình nhân bị trêu ghẹo. Tôi chịu không nổi sự trêu chọc này, thẳng thắn liều mạng thầu khoán qua đạo diễn, nói trong những người ngồi đây chỉ có anh đã lập gia đình, sao không chia sẻ kinh nghiệm cho bọn trẻ chúng tôi.

Đạo diễn cười cười kể chuyện năm đó kết hôn với vợ mình, hôm đám cưới anh không cẩn thận đeo nhầm nhẫn vào tay phải của vợ.

“Sau này vợ phàn nàn tôi: “Anh cũng quê vừa thôi, nhẫn đeo tay nào mà cũng không biết? Mọi người đều nói nhẫn cưới nhất định phải đeo vào tay trái, vì ngón áp út trái có mạch máu nối thẳng đến tim.”

Lông mày tôi khẽ giật, đành theo mọi người cùng cười trừ.

Bữa tiệc kết thúc sớm, đạo diễn nói không dám chiếm dụng thế giới hai người của các đôi tình nhân. Tôi liền nắm tay sư tỷ đi bắt tàu ngầm về nhà.

Ở ga tàu ngầm, ai ai cũng cúi đầu dán mắt vào điện thoại, tôi lên mạng xã hội xem qua, thật là vô cùng náo nhiệt. Những người đang yêu thì chụp ảnh khoe chuyện yêu đương, còn đám độc thân bận bịu trêu chọc đùa giỡn.

Tôi đã mau chóng lướt đến trang cá nhân của thầy Hách Phú Thân, vẫn chỉ một phong cách chia sẻ chuyện hằng ngày bằng chín tấm ảnh. Có ba ảnh chụp màn hình mấy cái video mọi người xem mãi không chán, một ảnh bìa album, một bức ảnh chụp chung với mọi người khi đoàn phim đóng máy, một tấm ảnh đuổi bắt em bé mà anh ấy chụp được, một bức ảnh chụp cận cảnh bé heo bằng bông, một chiếc nhẫn GUCCI nằm lặng lẽ trong hộp và một khoảng trời đầy sao.

Caption là: “Tối nay の sao trời は tươi đẹpです.”

Tôi ngay sau đó chạy qua trang cá nhân của thầy Hồ Tiên Hú, là hình chụp chung của thầy và Hách Phú Thân, hình chụp nồi lẩu bốc khói, phản chiếu hình ảnh người người vui vẻ.

Caption là: “Haidilao và bạn bè, một khi bạn đã yêu những điều này bạn sẽ không thể từ bỏ chúng.”

Tôi tùy ý like một cái, liền phát hiện ngày phía dưới là bài đăng của một người đã kết bạn với tôi.

“Biết là không ai quan tâm nhưng CP tôi ship tám năm hôm nay đã tương tác rồi!”

HẾT.

Bình luận về bài viết này