Kẹo và Paracetamol (Hoàn)

Kẹo và Paracetamol

Sai viết

*

   A/N: Viết lúc đang ốm (:  Vì tôi ốm nên thằng bé Thời Quang cũng phải ốm (:

    —————————

    KẸO VÀ PARACETAMOL

    —————————

    “Thế giới của anh kết thúc như vậy đó.” Hồng Hà nói, “Một ngày như bao ngày khác, khi anh sống cuộc đời của mình, anh chơi cờ, bạn bè quanh anh thì đang thảo luận về ván đấu hôm qua. Sau đó, điện thoại đổ chuông, bác của anh bảo về nhà đi, rồi anh nhận ra bố anh bị tai biến liệt nửa người. Rồi cuộc đời của anh đột nhiên biến thành một thước hoạt hoạ đầy nghi hoặc.” Anh kể lại câu chuyện của chính mình sau ván đấu chung kết Cúp Bắc Đẩu toàn quốc, trên đường chạy vội đến bệnh viện. Vài ngày sau, anh chui rúc vào vỏ bọc của mình, vẫn đầy nghi hoặc, từ chối giao lưu với bất kỳ ai. Bố anh, người vẫn hằng than phiền về sự nghiệp cờ vây của anh, chìm vào giấc ngủ trong im lặng. Ông vẫn chưa già, nhưng vào giây phút này đây, Hồng Hà bỗng nhiên không nhớ nổi tuổi tác của bố mình nữa. Ông thay đổi nhiều thật nhiều kể từ lần cuối hai người gặp mặt. Đến tận lúc này, Hồng Hà mới nhận ra mình không còn là một đứa trẻ, dẫu con đường phía trước có chông gai nhường nào, anh vẫn phải thử bước tiếp, “Anh không biết cậu đã gặp phải chuyện gì nên chỉ có thể kể ra chuyện của chính anh. Còn cậu, chờ khi nào sẵn sàng thì kể cho anh cũng được.”

    Từ hồi Chử Doanh biến mất, Thời Quang đã đánh mất cái suy nghĩ rằng cuộc đời em luôn nhận được sự chiếu cố của thánh thần. Có lẽ Hồng Hà đã nhận ra, dù em đã cố gắng che đậy bằng những nụ cười và những câu trêu đùa thường nhật, về việc thế giới với em từng sụp đổ chỉ trong một ngày, rằng có một vết thương sâu hoắm trong lòng em, Thời Quang nghĩ, khi em chẳng thể nào chơi cờ mà không có cảm giác lồng ngực bị xé toạc thành đôi, để lại một khoảng trống không thể lắp đầy, nỗi tiếc nuối khôn nguôi và một lời hứa em không thể thực hiện; nhưng đồng thời, chỉ khi nghe tiếng những quân cờ chạm vào mặt gỗ kêu lách cách, em mới cảm nhận được rằng Chử Doanh vẫn luôn bên cạnh và tâm hồn em mới được xoa dịu phần nào.

    Thật là một nghịch lý đáng buồn.

    Giờ thì Thời Quang chẳng bao giờ lãng phí thời gian cho trò chơi điện tử hay bất cứ hoạt động giải trí nào khác nữa. Tất cả những gì em làm sau giải đấu là ngồi lì trước bàn cờ hàng giờ liền, thâu đêm suốt sáng, bày lại những trận đấu cũ của em và Chử Doanh.

    “Nếu cờ vây biến thành một gánh nặng với con,” Mẹ hỏi khi đang đóng cửa sổ trong phòng ngủ của em, “vậy chúng ta đừng chơi nữa, được không con?”

    Kể từ khi Thời Quang dọn ra ngoài, hiếm khi hai mẹ con có thời gian bên cạnh nhau như thế này. Tối ngày hôm kia, trời đổ mưa to như trút nước. Nước mưa tạt qua khung cửa sổ để mở làm ướt hết cả chăn đệm, nhưng Thời Quang không hề hay biết. Đợi đến khi tỉnh dậy, em đã bắt đầu phát sốt. Thoạt tiên, em chỉ định đắp chăn ngủ thêm một giấc chờ tự khỏi, nhưng tình trạng càng lúc càng tệ. Thời Quang ho nhiều đến độ Hồng Hà phát hoảng lên và phải gọi điện thoại cho mẹ Thời Quang để cưỡng chế em về nhà ngay tức khắc.

    “Mẹ, do mẹ nghĩ nhiều quá thôi!” Thời Quang cười rộ lên, “Con chơi cờ vì con muốn thế, làm gì có gánh nặng gì ở đây!”

    Mẹ thở dài. Cuộc trò chuyện đi vào bế tắc như mọi lần.

    “Nếu con cần gì thì cứ nói cho mẹ biết, nhé!”

    Căn nhà lại quay về với sự yên lặng, chỉ thi thoảng mới vang lên tiếng ho ngắt quãng của Thời Quang. Ly nước chanh pha mật ong vơi một nửa vẫn còn hơi ấm, đặt bên bàn cờ vây trong phòng ngủ, thi thoảng em lại nhấp một ngụm giữa lúc nghỉ tay. Trên bàn cờ nhỏ bé với muôn vàn khả năng ấy, Thời Quang và Chử Doanh từng xây dựng quân đội của riêng mình, sở hữu những thành trì bất khả xâm phạm, trở thành Chúa Sáng Thế, vẽ nên những vì sao trong vũ trụ rộng lớn. Cờ vây đã tạo ra một thế giới mà Thời Quang chưa từng đặt chân đến, và với tâm trạng háo hức như Christopher Columbus, em mò mẫm khám phá từng tấc đất của thế giới ấy, vùng đất của sự tự do và không có trói buộc. Cách Thời Quang chơi cờ cũng hệt như cái cách em nếm những viên kẹo đậu nhiều vị. Dẫu không biết viên tiếp theo sẽ là chocolate hay bùn đất, là chiến thắng hay thất bại, em vẫn mải mê không biết mệt.

    Cờ vây sẽ vẫn luôn là cờ vây, dù là Thời Quang đang chơi cờ với bất kỳ ai, ở bất cứ giây phút nào, hay ở bất cứ đâu. Vùng đất ấy vẫn luôn kỳ diệu như vậy, nhưng vắng Chử Doanh, mọi thứ bỗng trở nên không còn giống như xưa nữa: hơi lạnh của những quân cờ trên đầu ngón tay bỗng trở nên lạnh buốt, sắc nâu của vân gỗ trên bàn cờ biến đổi, và thậm chí cả âm thanh khi quân cờ chạm vào bàn cờ cũng khác lạ. Những âm vọng xa xôi ấy gợi nhớ em về một bóng hình đã mất. Và khi Thời Quang lội ngược dòng ký ức tìm về với Chử Doanh, những mảnh vụn ấy dâng tràn và nhấn chìm em: mùi gỗ sồi của bàn cờ trong phòng ngủ mỗi buổi sáng và âm thanh của Chử Doanh gọi em tỉnh giấc, chiếc bập bênh ở công viên đầu ngõ nơi hai người từng chơi cả trăm ván cờ mù, quán net ghi lại kỷ lục bất bại của Chử Doanh trên Weida, và bóng áo trắng cùng em qua từng ngóc ngách của con phố cổ…

    Ánh trăng vẫn chiếu rọi qua ô cửa sổ, nhưng viên kẹo em giấu trong túi đã bị đánh cắp.

    Trời đất xung quanh Thời Quang quay cuồng đến độ em không còn nhìn rõ những đường kẻ trên bàn cờ, nhưng em không muốn gọi cho mẹ. Mẹ đang có một ca phẫu thuật, và em không muốn mẹ biết mình đã vứt hết đống thuốc hạ sốt ra ngoài cửa sổ. Thời Quang ghét uống thuốc, ghét tiêm thuốc, ghét truyền nước, ghét hết mọi thứ liên quan đến bệnh viện, trừ mẹ em ra.

    “Cậu đã uống thuốc chưa đấy?” Cuộc gọi của Giang Tuyết Minh đến ngay sau tin nhắn căn dặn Thời Quang nghỉ ở nhà đến khi khoẻ hẳn của anh Hậu, giọng con bé vang lên đầy lo lắng. “Ho nhiều lắm không?”

    “Rồi mà.” Thời Quang cố nén cơn ho, dù giọng vẫn khàn đặc.

    “Đừng có mà lừa tớ!”, lần này thì giọng nói đã chuyển sang gắt gỏng, “Chờ đấy, tớ sang ngay.”

    Nếu không có mẹ Giang Tuyết Minh cằn nhằn về việc con bé không thể lãng phí thời gian ôn thi đại học, hẳn Giang Tuyết Minh đã xuất hiện trước nhà Thời Quang chỉ sau năm phút đồng hồ. Con bé chỉ chịu từ bỏ sau khi Thời Quang cam đoan mình sẽ ngừng chơi cờ và đi ngủ sớm.

    “Nhớ đóng cửa nẻo đàng hoàng không để gió lùa lại ho thêm đấy nhé!” Giang Tuyết Minh còn cố nhắc với.

    Đêm, nương ánh đèn đường rọi qua ô cửa sổ em vừa mở ra, Thời Quang lục lọi kệ sách. Việc không thể chơi cờ làm em cảm thấy bất an và lạc lõng. Cuối cùng, Thời Quang cũng tìm được một bức ảnh cũ của em và Chử Doanh. Thời Quang lấy nó ra khỏi cuốn album, lồng vào khung ảnh và đặt lên tủ đầu giường. Trong bức ảnh ấy, Thời Quang, người vừa giành được suất vào vòng cuối của cuộc thi lên chuyên, mỉm cười rạng rỡ bên cạnh một khoảng không, nơi người bạn vô hình của em đang đứng. Câu chuyện phía sau buổi chụp hình hôm đó có biết bao điều thú vị, nhưng khi em ngắm đi ngắm lại bức ảnh, nước mắt cứ thế tuôn rơi một cách không tài nào kiểm soát nổi. Mọi chuyện bắt đầu vào mùa đông, xuân qua, hạ tới, rồi đến mùa thu. Thời Quang và Chử Doanh cùng nhau bầu bạn, cùng nhau chơi cờ, cùng nhau đi khắp nẻo đường. Chẳng ai chạm được vào Chử Doanh, cũng chẳng ai nhìn thấy anh, nhưng Chử Doanh chưa từng từ bỏ. Từng chút, từng chút một, anh để lại dấu ấn của chính mình ở thế giới này, không chỉ bằng thành tích toàn thắng đáng kinh ngạc trong giới cờ vây online, mà còn in dấu ở trong lòng Thời Quang, trong từng nước cờ của em. “Thời Quang,” tên của em, cũng là một cách bày tỏ rất riêng của Chử Doanh, rằng, “Anh muốn chơi cờ”. Thời Quang từng từ chối anh hết lần này đến lần khác. Cờ caro, cờ tướng, cờ vua, cờ gì em cũng cho anh chơi thay cả. Chỉ có cờ vây là không được. Mãi tận sau này, Thời Quang mới nhận ra thứ khiến em ân hận nhất chính là khi Chử Doanh hỏi em, “Thời Quang, còn anh thì sao?”, và Thời Quang đã đáp lại rằng, “Anh vẫn còn nhiều thời gian mà.” Chỉ khi Chử Doanh biến mất, em mới hiểu rằng, Chử Doanh vẫn luôn bị bỏ lại trong cái hiện thực mà em tin là  hai người đang cùng sẻ chia, rằng cái gọi là tương lai chỉ thuộc về riêng mình em. Chủ Doanh bị ruồng rẫy bởi thế gian này, bị chia tách với Thời Quang và phần còn lại của thế giới và mắc kẹt trong một không gian độc lập, nơi con người ta vẫn tồn tại, nhưng bị tước đoạt một cách tàn nhẫn quyền được nhìn thấy, được chạm vào hay được công nhận như một cá nhân.

    Thời Quang nằm trên giường, tay chân nặng trịch như đeo chì. Em đã thiếp đi được một lúc. Có tiếng gì đó như tiếng gõ cửa, hoặc tiếng bước chân ai đấy đang tiến vào nhà. Thời Quang nín thở, tim em đập nhanh như trống. Và trong giây phút mà bóng trắng bước vào phòng, Thời Quang buột miệng thốt ra cái tên vốn dĩ đã trở thành cấm kị với chính em, “Chử Doanh, anh về rồi à?”, mà hoàn toàn quên sạch chuyện Chử Doanh đi đường không phát ra tiếng bước chân.

    “Chử Doanh?”, có tiếng hỏi lại đầy nghi hoặc.

    “Du Lượng?”, lúc này thì Thời Quang đã tỉnh táo được đôi chút, “Sao cậu ở đây?”

    “Sao tôi lại ở đây á?”, nghe cách nói chuyện thôi là đã biết Du Lượng đang cáu, đấy là chưa bàn đến đuôi chân mày đã nhướn cao của cậu, “Là ai nửa đêm về sáng gọi điện thoại cho tôi bảo rằng mình sắp chết vậy hả?”

    Thời Quang chẳng có ấn tượng nào về cuộc hội thoại ấy, nhưng ly nước đang toả nhiệt trên tủ đầu giường là thật, viên thuốc hạ sốt Du Lượng dúi vào tay em là thật, hơi lạnh từ miếng dán hạ sốt trên trán em là thật, cánh cửa sổ đóng kín kéo rèm là thật, và cả hơi ấm từ Du Lượng khi cậu chui vào chăn, chen chúc cùng em trên chiếc giường đơn chật hẹp cũng là thật nốt.

    “Uống thuốc rồi ngủ đi,” Thời Quang nghe tiếng Du Lượng cằn nhằn bên tai, “Bao nhiêu tuổi đầu rồi mà đến cửa sổ cũng không biết đóng lại.” Cũng lâu rồi, kể từ sau cúp Bắc Đẩu, hai đứa mới ngủ cùng nhau.

    “Cậu định ngủ ở đây à?” Thời Quang cố mà nuốt viên thuốc mắc kẹt trong cuống họng, thế là lại ho thêm vài cái nữa.

    “Mười hai giờ đêm rồi đấy ông tướng, trời còn đang mưa, cậu nghĩ tôi về nhà bằng cách nào?” Du Lượng quay lưng về phía em, lưng áo cậu ta cọ vào tay áo của Thời Quang, phát ra tiếng tĩnh điện kêu lách tách rất nhỏ.

    Bấy giờ, Thời Quang mới để ý Du Lượng mặc trên người một cái áo len trắng cao cổ và một chiếc quần bông dài xám nhạt, nhìn không giống với kiểu trang phục cậu ấy sẽ mặc ra ngoài đường, ngược lại càng giống quần áo ngủ. Thời Quang mím môi, em không hỏi vì sao Du Lượng biết về chuyện cái cửa sổ để mở, không hỏi về việc Du Lượng đã vội vàng đến độ không kịp thay quần áo, cũng không hỏi về việc cậu ấy đã bắt xe đến nhà em vào nửa đêm như thế nào.

    “Du Lượng này,” Thời Quang nằm ngửa, ngước nhìn trần nhà, có gì đó nghèn nghẹn trong cuống họng mà em nuốt mãi không trôi.

    “Ừ?”

    “Về Chử Doanh ấy…” Em ngập ngừng.

    “Anh ấy là thầy của cậu?” Du Lượng đáp, hoàn thành nốt câu nói dang dở.

    “Anh ấy dạy tớ chơi cờ, cùng tớ chơi cờ. Lúc nào anh ấy cũng bên cạnh tớ. Anh ấy…” Giọng Thời Quang khàn đặc và đứt quãng. “Nhưng anh ấy đi rồi. Tớ đột nhiên không biết phải làm gì nữa…”

    “Tớ sẽ cùng cậu.”

    “Hả?”

    “Cậu còn có tớ, tớ sẽ chơi cờ cùng cậu.” Giọng của Du Lượng phủ lên Thời Quang, êm ái như một tấm chăn bông, “Ngủ đi.”

    Dưới ánh đèn ngủ sậm vàng ấm áp, Thời Quang nhìn một vòng quanh phòng. Cốc nước chanh mẹ pha cho em ban chiều vẫn đặt bên bàn cờ. Điện thoại di động đang sạc pin trên nóc tủ, chứa đầy tin nhắn hỏi thăm sức khoẻ của những người quan tâm em. Trên tủ đầu giường, trong khung ảnh, những người bạn của em ở Hội quán cờ vây đang cùng mỉm cười rạng rỡ. Và bên cạnh em, trong chăn ấm, tiếng hít thở của Du Lượng nghe chậm và đều như đã đi vào giấc ngủ.

    Thời Quang nhắm mắt lại. Lần này, em nghe thấy tiếng của mẹ, của Hồng Hà, của Du Lượng, của Chử Doanh, của những người yêu thương em vang lên trong đầu, không phải bên tai, “Sẽ ổn cả thôi.”

    Mưa vẫn đang rơi ngoài cửa sổ, nhưng em không còn sợ nước mưa hắt vào nữa. Cánh cửa sổ em vì Chử Doanh mà mở ra, hết lần này đến lần khác, sẽ luôn có người ở bên thay em khép lại.